Covid-19 làm thay đổi cán cân cung – cầu đồng, kẽm và thiếc thế giới

Thứ ba - 30/06/2020 09:37
Đối với lĩnh vực kim loại công nghiệp, Covid-19 là "cú sốc" nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn một thập kỷ.
Covid-19 làm thay đổi cán cân cung – cầu đồng, kẽm và thiếc thế giới

Tác động lần 1 là các lĩnh vực sử dụng nhiều kim loại công nghiệp như ngành ô tô đều buộc phải đóng cửa để thực hiện chính sách giãn cách xã hội. Tác động lần 2 đang diễn ra, đó là sự suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp cũng như mỗi cá nhân vào triển vọng kinh tế khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan khó kiểm soát và số ca tử vọng vì virus này vẫn đang gia tăng nhanh.

Chưa dừng lại ở đó, Covid-19 còn ảnh hưởng đến nguồn cung kim loại do các hãng khai thác mỏ hoặc luyện kim buộc phải đóng cửa để thực thi các biện pháp kiểm dịch quốc gia.

Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh đến mỗi loại kim loại rất khác nhau. Chẳng hạn như mặt hàng nhôm hầu như không bị ảnh hưởng khi hầu hết các Chính phủ, ngoại trừ Argentina, cho phép các nhà máy luyện nhôm tiếp tục hoạt động bởi đây là mặt hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế.

Trái lại, nguồn cung thiếc và kẽm bị đứt gãy đáng kể, một phần do chính sách phong tỏa nghiêm ngặt ở Peru – nhà sản xuất chính đối với cả 2 kim loại này.

Vấn đề này vẫn còn đang tiếp diễn. Trọng tâm của thị trường kim loại ở thời điểm hiện tại tập trung vào mặt hàng đồng ở Chile – nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, nơi dịch Covid-19 đang lan nhanh tới các lĩnh vực sản xuất, trong đó có ngành khai thác đồng.

Kim loại thiếc

Chính sách phong tỏa/giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất của 3 trong số 5 nước sản xuất thiếc lớn nhất thế giới (không kể Trung Quốc).

Các hãng Minsur của Peru, EM Vinto của Bolivia và Smelting Corp của Malaysia sản xuất tổng cộng 55.400 tấn thiếc trong năm 2019, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Cả 3 hãng này đều sản xuất liên hoàn, tức là gồm cả khai thác mỏ và tinh luyện kim loại. Do đó, việc họ tạm dừng hoạt động để chống Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thiếc tinh luyện. Đó là lý do khiến giá thiếc trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) hầu như không suy giảm mặc dù nhu cầu sụt giảm. Hiện thiếc kỳ hạn giao sau 3 tháng – kỳ hạn tham chiếu – trên sàn London có giá 16.800 USD/tấn, chỉ thấp hơn 2% so với hồi đầu năm. Nguyên nhân bởi nguồn cung mặt hàng này rất "căng thẳng".

Trung Quốc, nước sản xuất thiếc lớn nhất thế giới, đã rất chật vật do thiếu nguyên liệu thô, và phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ Mynmar – nhà cung cấp thiếc lớn nhất của Trung Quốc.

Từ tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu ròng mặt hàng thiếc, và kể từ đó tình hình vẫn chưa thay đổi. Tổng nhập khẩu thiếc ròng trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 2.600 tấn. Điều này trái ngược với kết quả 4 tháng đầu năm 2019, khi Trung Quốc xuất khẩu ròng 3.600 tấn thiếc.

Trong khi đó, hãng PT Timah của Indonesia cũng đang hạ mục tiêu về khối lượng tiêu thụ thiếc năm 2020 xuống 55.000 tấn.

Rõ ràng Covid-19 khiến cho nguồn cung thiếc vốn đang khan hiếm càng trở nên thiếu hụt nghiêm trọng.

Kim loại kẽm

Sản xuất ở các mỏ khai thác kẽm đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách giãn cách/phong tỏa xã hội để chống Covid-19, nhất là ở Peru – một trong những nhà cung cấp tinh quặng kẽm lớn trên thế giới.

Các nhà phân tích của Macquarie Bank ngày 24/6 ước tính sản xuất kẽm bị tổn thất hơn 500.000 tấn, chiếm hơn 4% nguồn cung toàn cầu. Trong khi đó, các nhà phân tích của JP Morgan ngày 22/6 đánh giá mức tổn thất nhiều hơn thế, lên tới 790.000 tấn, sau khi hàng loạt các nhà máy phải đóng cửa.

Điều khác biệt giữa kẽm và thiếc là nguồn cung kẽm trước khi xảy ra dịch Covid-19 ở trong trạng thái dư thừa.

Sau khi thiếu hụt vào các năm 2017 và 2018, thị trường kẽm chuyển sang dư thừa vào năm 2019, khi các nhà máy luyện kẽm của Trung Quốc tăng cường sản xuất, đẩy giá giảm sâu. Đó là lý do khiến giá kẽm giảm khoảng 9% từ đầu năm đến nay, nhiều gấp 4 lần mức giảm của giá thiếc. Đóng cửa phiên 26/6, giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn LME – tham chiếu cho toàn cầu – là 2.082 USD/tấn.

Vì vậy, khi các mỏ kẽm ở Peru mở cửa trở lại, thị trường kẽm thế giới nhiều khả năng sẽ nhanh chóng chuyển sang dư thừa.

Kim loại đồng

Yếu tố tác động chính đến thị trường đồng vào thời điểm hiện tại chính là Chile.

Phiên giao dịch 26/6/2020, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London – tham chiếu cho toàn cầu – đã chạm "đỉnh" 5 tháng sau 5 tuần liên tiếp tăng, do lo ngại sản lượng ở Chile sụt giảm khi công ty khai thác mỏ đồng Codelco của Chile – nhà khai thác đồng lớn nhất thế giới - dừng hoạt động tại nhà máy tinh chế và đúc đồng ở chi nhánh Chuquicamata để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Chuquicamata là chi nhánh lớn thứ 2 của Codelco sau El Teniente, với sản lượng năm 2019 là 385.000 tấn.

Bộ trưởng Bộ Khai thác mỏ Chile, Baldo Prokurica, dự báo sản lượng đồng của nước này sẽ giảm 200.000 tấn do ảnh hưởng của việc số ca nhiễm virus tăng lên. Điều này trái ngược với việc sản lượng đồng nước này đã tăng 3,6% trong 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên phạm vi toàn cầu, JP Morgan dẫn số liệu của hãng nghiên cứu CRU cho rằng mức độ thiệt hại của Covid-19 đối với sản lượng đồng là khoảng 440.000 tấn.

Tuy nhiên, ngân hàng Macquarie cho biết, nguồn cung từ các mỏ khai thác đồng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ít hơn so với kẽm hay nickel, và nguồn cung đồng tinh luyện chịu ảnh hưởng ít nhất trong số các kim loại cơ bản.

Mặc dù vậy, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chile có thể khiến cho mức độ tổn thất sản lượng đồng do Covid-19 cao hơn nhiều so với những con số trên khi mà số ca nhiễm virus corona ở khu vực này đang tăng nhanh.

Hãng Codelco thông báo việc tạm dừng hoạt động của Chuquicamata chỉ là "tạm thời", ngụ ý hoạt động sẽ nhanh chóng bình thường trở lại. Tuy nhiên, không phải Codelco mà là virus SARS-CoV-2 mới có thể xác định thời gian đóng cửa của Chuquicamata sẽ kéo dài trong bao lâu.

JP Morgan lưu ý rằng: "Hiện vẫn còn hơi sớm để có thể tin tưởng rằng sẽ không xảy ra làn sóng Covid-19 thứ 2, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm ở Mỹ Latinh nói chung và Chile nói riêng hiện vẫn tương đối cao".

Và điều quan trọng là để kiểm soát được dịch Covid-19 sẽ còn mất rất nhiều thời gian. Do đó, sẽ chưa thể đánh giá đúng tác động của dịch bệnh đối với nguồn cung kim loại ở thời điểm này.

Covid-19 làm thay đổi cán cân cung – cầu đồng, kẽm và thiếc thế giới - Ảnh 1.

Nguồn tin: cafef.vn

Những tin mới hơn

Tin tức khác

Tài trợ chính
Tài trợ kim cương
Hội doanh nghiệp tân phú
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay663
  • Tháng hiện tại48,626
  • Tổng lượt truy cập8,114,242
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây